Khẩu quyết – một thuật ngữ trong võ học, thường hay gặp trong các truyện kiếm hiệp hay phim võ thuật. Khẩu quyết hay còn gọi là Yếu pháp, Yếu lĩnh, chỉ được tông truyền cho chính truyền nhân kế thừa, do vậy, phần Yếu pháp luôn là bí mật của các môn phái.
Trong Toán học, có thể ví các môn Hình học, Lượng giác, Phương trình, Đại số tổ hợp,…. như là các “môn phái”, còn các định nghĩa, định lý, công thức,… của mỗi “môn phái” đó có thể phát biểu thành những câu nói ngắn gọn gọi là “khẩu quyết”, mặc dù ngắn gọn nhưng khẩu quyết lại bao hàm đầy đủ “chiêu số” và “tâm pháp” giúp “người luyện võ” có phương hướng tập luyện rõ ràng và cụ thể! 😀
“ | Nghệ thuật tối thượng của người thầy là đánh thức niềm vui trong sự diễn đạt và tri thức sáng tạo. | ” |
— Albert Einstein |
Thực chất, trong các môn Toán mà bạn đã học, đều có chứa các khẩu quyết như vậy: “Sin đi học, Cốt không hư, Tang đoàn kết, Côtang kết đoàn”, “Ngoài cùng, trong trái”, “Cốt đối, sin bù, phụ chéo, tang côtang hơn kém pi” rồi là “Cốt cộng cốt bằng hai cốt cốt”, “Nhất lô, nhì đa, tam lượng, tứ mũ” … Bạn có nhớ đã học các “khẩu quyết” này ở môn học nào, ở lớp mấy không?
Hầu hết các bài viết trên Thapsang.vn này đều chứa đựng hoặc giới thiệu tường minh các khẩu quyết, bạn cứ từ từ tìm hiểu nhé:
Vì vậy, muốn giỏi “võ” thì trước tiên phải nhớ và hiểu “khẩu quyết” đã, học đến đâu vận dụng luôn đến đó và thường xuyên vận dụng, còn muốn vận dụng thì phải tìm bài mà “chiến đấu” thôi!
Cuối cùng, tại sao bạn không thử tự sáng tạo “khẩu quyết” cho các môn mà bạn đã và đang học nhỉ? Cứ học tập chăm chỉ, luyện tập bền bỉ, rồi biết đâu một ngày nào đó, bạn sáng lập ra một “môn phái” mới và trở thành “trưởng môn” cũng nên! 😀
P/s: Bạn có thể chia sẻ một vài “khẩu quyết” mà bạn biết không? Hãy gõ nó vào hộp bình luận phía dưới nhé! Cảm ơn sự chia sẻ của bạn!