Con gái tôi học lớp 3, thỉnh thoảng cháu gặp bài toán khó và hỏi tôi về cách giải. Tôi luôn cố gắng không dạy cháu cách giải mà gợi ý cháu tìm ra cách giải. Tôi ghi những kinh nghiệm này lên đây một là để có thể dùng lại và hai là có thể có ích cho ai đó. Sau đây là một ví dụ: “Tìm số liền trước”.
Đề bài
Liền sau của một số có bốn chữ số là số có năm chữ số. Tìm số liền trước của số có bốn chữ số?
Cùng tìm số liền trước
* Con đọc lại cho bố nghe đề bài. Tôi thường yêu cầu cháu đọc lại 3-4 lần, một là để chính cháu nhớ rõ đề bài và hai là để tôi cũng có thời gian suy nghĩ về cách giải (nói “câu giờ” cũng không sai) 😀
* Với người lớn thì bài toán này chả khó khăn gì, vấn đề là làm thế nào để hướng dẫn một đứa trẻ lớp 3 (9 tuổi) hiểu và tìm ra cách giải.
* May mắn là đầu tôi “lóe” ra một ý tưởng: “Con có thể phát biểu bài toán với các số ít chữ số hơn không”? Chẳng hạn với “1 và 2 chữ số”.
* Con bé lặng yên một lúc và bắt đầu ngập ngừng: “Liền sau của một số có 1 chữ số là số có 2 chữ số. Tìm số liền trước của số có 1 chữ số?”
* Lúc này số cần tìm là số mấy?
* “Số 8”, con bé trả lời.
* Tốt, con phát biểu bài toán với “2 và 3 chữ số”?
* Con bé phát biểu được luôn: “Liền sau của một số có 2 chữ số là số có 3 chữ số. Tìm số liền trước của số có 2 chữ số?”
* Số cần tìm lúc này là số mấy?
* “Số 98”, con bé trả lời.
* Tốt, con lấy vở nháp ra và tự giải bài toán cô cho.
Bình luận
* Nếu bạn có một hướng dẫn khác, rất mong nhận được chia sẻ của bạn. Xin gõ nó vào hộp bình luận phía dưới đây.
* Bạn có nhận ra kỹ thuật đặt câu hỏi này có ở trong quyển sách nào không? Và khi nào có thể áp dụng kỹ thuật đặt câu hỏi này không?
Trả lời