Bài viết chia sẻ vài suy nghĩ của tác giả về từ “Cá tính” trong phần Mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Bài viết phù hợp với các đồng nghiệp, thầy giáo cô giáo, các bạn giáo sinh, sinh viên sư phạm và các bậc phụ huynh.
Ấn tượng
Khi bản Dự thảo ra đời, đọc đoạn thứ 5 trong Lời nói đầu tôi đã rất ấn tượng và cảm nhận được hình ảnh con người mà Chương trình khao khát và mong muốn xây dựng. Cũng cảm nhận được sự thay đổi trong nhận thức của Ban soạn thảo, tôi nghĩ là đáng kể so với độ tuổi của các vị trong ban. Rồi khi đọc lời nói đầu của bản Chính thức, tôi giật mình và có chút buồn buồn khi những gì tôi đã đọc đó lại không còn ở đây, nhưng khi đọc tiếp sang phần Mục tiêu thì nó lại xuất hiện. Tôi khá vui vì điều này.
Điều gì?
Tôi vốn là người khó tính không dễ mấy khi khen, điều gì khiến tôi vui và ấn tượng vậy? Đó là đoạn sau đây trong phần Mục tiêu: “có CÁ TÍNH, nhân cách và ĐỜI SỐNG TÂM HỒN PHONG PHÚ; nhờ đó có được CUỘC SỐNG CÓ Ý NGHĨA và đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước và NHÂN LOẠI”.
Tôi muốn nhấn mạnh nên đã gõ in hoa một số từ ở trên. Đặc biệt và ấn tượng nhất là từ đầu tiên: “CÁ TÍNH”. Tôi cho là đây là một điểm tiến bộ của chương trình lần này.
Cá tính
Cá tính – tính cách riêng biệt vốn có của từng người, phân biệt với những người khác1. Khi chấp nhận, tôn trọng cá tính, chấp nhận và tôn trọng cái tôi của người khác thì đã mở đường cho tôn trọng lẫn nhau, lắng nghe lẫn nhau, học hỏi lẫn nhau, yêu thương nhau,… Đó là văn minh! Điều mà xưa nay tôi không thấy được khuyến khích mấy ở xã hội này, nền giáo dục này và có lẽ là đất nước này (Tôi muốn nói là đa số).
Xã hội này, nền giáo dục này mà ngày ngày chúng ta vẫn đang chứng kiến thì có thể nói gọn là vẫn trong tình trạng “Áp đặt”. Từ áp đặt tư tưởng, quan điểm, nhận thức,… thậm chí là cả giấc mơ. Có quá nhiều hình thức biểu hiện của loại “bệnh” này, tôi thừa nhận và không muốn tranh luận với ai về điều này. Trong bối cảnh như thế, thì việc hướng tới xây dựng những con người “có CÁ TÍNH” há chẳng phải là đã có một sự thay đổi rất lớn và rất văn minh?
Thêm nữa, tôi cũng chưa từng thấy từ này, cá tính, xuất hiện trong các văn bản hành chính pháp quy về Giáo dục. Đây là lần đầu tiên! (Hy vọng tôi nhầm hoặc không biết đã từng có trước đây).
Đồng thuận?
Đó thật sự là điều rất đáng mừng, nhận thức của những người làm chương trình đã thay đổi như vậy, mục tiêu đã tiến bộ như vậy. Vấn đề bây giờ là nhận thức của xã hội, nhận thức của những người làm quản lý giáo dục, làm giáo dục có cùng thay đổi. Nếu chỉ có những người làm chương trình nhận thức được về cá tính còn xã hội và những người trực tiếp làm giáo dục lại không thì mục tiêu trên của chương trình chắc chắn sẽ thất bại. Tại sao? Tôi sẽ còn quay lại với điểm này.
Hy vọng bạn thích bài viết và xin lắng nghe mọi ý kiến từ bạn. Xin hãy gõ nó vào hộp bình luận phía dưới.
- https://vi.wiktionary.org/wiki/c%C3%A1_t%C3%ADnh#Ti%E1%BA%BFng_Vi%E1%BB%87t [↩]
Trả lời