Năm 2018 là năm thứ tư cả nước thực hiện kì thi THPT Quốc Gia. Bốn năm nay, sau khi có điểm thi, truyền thông và xã hội lại biết đến một số thí sinh và tỉnh/thành (địa phương) có tổng điểm cao nhất toàn quốc. Tuy nhiên, những thông tin này có hai hạn chế, một là chỉ có ở từng năm thi, năm nào thông báo năm đó, và hai là chỉ nêu tên một số địa phương. Mặt khác, cũng chưa có bài báo hay báo cáo nào công bố tỉ lệ thí sinh đạt điểm cao của 63 địa phương trên cả nước và có sự tổng hợp so sánh với các năm trước. Để có cái nhìn tổng thể về tỉ lệ đó trong 3 năm gần đây, từ 2016 đến 2018, tác giả đã tìm kiếm thông tin, xử lý, thống kê và thực hiện báo cáo này.
Ở đây tác giả chỉ tập trung xác định tỉ lệ thí sinh đạt điểm cao, từ 27 điểm trở lên ở các khối thi A, A1, B, C và D trong 3 năm của từng địa phương.
Khi biểu đồ hóa các số liệu thu được từ xử lý dữ liệu và thống kê, biểu đồ đã đem đến một số phát hiện bất ngờ về sự khác thường của tỉ lệ này ở năm 2018 giữa các địa phương có truyền thống “đất học” với những địa phương “mới nổi”. Ngạc nhiên hơn nữa, một số địa phương “mới nổi” đó lại chính là các địa phương có gian lận thi cử đã bị phát hiện hoặc đang trong quá trình điều tra như Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình,…
Dưới đây là các biểu đồ này và phân tích. Về nguồn gốc và tính chính xác của các biểu đồ, xin xem bài viết đầy đủ của tác giả trên Thư viện Khoa học VLOS theo đường dẫn ở cuối bài viết.
Biểu đồ và phân tích
Việc lập biểu đồ tỉ lệ 3 năm liên tiếp của mỗi địa phương cho chúng ta thấy sự thay đổi về chất lượng đầu nhọn của mỗi địa phương một cách trực quan. Nó phản ánh rõ rệt hai sự kiện, một là sự tiến lên hay thụt xuống của top điểm cao ở mỗi địa phương trong 3 năm liên tiếp và hai là cho chúng ta một hình dung tương đối về tương quan chênh lệch giữa các địa phương ở từng năm.
Trong khi độ khó của các đề thi năm 2018 được đánh giá là khó hơn, thậm chí là khó hơn rất rất nhiều so với năm 2017, thì về logic cột tỉ lệ của năm 2018 phải thấp hơn của năm 2017 với tất cả các địa phương. Nhưng các biểu đồ KA, KA1, KB và KD cho thấy một sự kiện ngược lại, logic đó không đúng cho tất cả các địa phương. Ở biểu đồ KA là một ví dụ:
1. Biểu đồ Khối A
Phân tích
Trong khi cột tỉ lệ 2018 và 2017 của hầu hết các địa phương đều tuân theo logic trên thì Hà Giang là ngược lại. Cột tỉ lệ của Hà Giang ở năm 2018 cao hơn rất nhiều so với năm 2017, hơn nữa cột đó cũng cao hơn rất nhiều cột tỉ lệ của các địa phương khác. Đó là một sự kiện khác thường, phản ánh sự tiến lên của Hà Giang hay thụt lùi của địa phương khác?
2. Biểu đồ Khối A1
Phân tích
Giống như ở biểu đồ KA, biểu đồ KA1 cũng có sự kiện tương tự nhưng ấn tượng hơn rất nhiều. Vì lúc này không chỉ có Hà Giang, mà còn có Sơn La, Hòa Bình và Lai Châu. Đặc biệt, bảng tỉ lệ KA1 cho thấy cứ 1000 thí sinh Hà Giang 2018 sẽ có 40 thí sinh đạt điểm 27 trở lên, trong khi 1000 thí sinh Hà Nội chỉ có 0.14 thí sinh và 1000 thí sinh Vĩnh Phúc chỉ có 0.51 thí sinh đạt mức điểm này. Như vậy cột tỉ lệ của Hà Giang cao hơn 285 lần và 78 lần so với của Hà Nội và Vĩnh Phúc.
3. Biểu đồ Khối B
Phân tích
Ở biểu đồ KB có sự kiện tương tự với các địa phương Điện Biên và Hà Giang. Nếu như năm 2017, Cần Thơ là địa phương có tỉ lệ cao nhất ở khối này thì năm 2018 tỉ lệ này rất thấp. Ngược lại, ở năm 2017 Điện Biên có tỉ lệ khá thấp so với toàn quốc thì năm 2018 tỉ lệ này lại rất cao và cao nhất cả nước.
4. Biểu đồ Khối D
Phân tích
Ở biểu đồ KD có Sơn La, Hà Giang và Tuyên Quang. Nếu như năm 2017, ba địa phương Hà Nội, Vĩnh Phúc và Kon Tum có tỉ lệ top đầu khối D thì năm 2018 cột tỉ lệ của cả 3 địa phương này là không có. Ngược lại, Sơn La và Hà Giang có cột tỉ lệ 2017 thấp rất thấp và không có thì năm 2018 lại xuất hiện và cao nhất, nhì toàn quốc.
Kết luận
Như vậy, có thể nói các biểu đồ trên cho thấy một sự khác thường về tỉ lệ điểm cao của năm 2018 giữa các địa phương. Nếu các địa phương được xem là có truyền thống “đất học” như Nghệ An, Nam Định, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Hà Nội có cột tỉ lệ rất thấp hoặc không có thì ở một số địa phương “mới nổi” như Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, Điện Biên, Lai Châu,… lại có cột tỉ lệ rất cao, thậm chí là cao gấp hàng trăm lần.
Xem bản đầy đủ của bài viết này trên Thư viện Khoa học VLOS: tại đây.
Trả lời