Do có một số bạn thắc mắc những câu hỏi giông giống nhau, nên mình gộp lại và trả lời chung ở bài viết này. Sau đây là một số câu hỏi được lặp lại nhiều nhất và câu trả lời của Nhóm tổ chức cuộc thi.
Q1) Đối tượng cuộc thi rộng quá, giáo viên lợi thế hơn học sinh?
A1) – Không! Đây là cuộc thi hướng tới tính Sáng tạo chứ không phải cuộc thi giải toán GIỎI (Như thi học sinh giỏi). Do đó, giáo viên hay những người có kinh nghiệm hơn chưa chắc đã lợi thế hơn. Thực tế, kinh nghiệm nhiều có thể lại là vật cản của sáng tạo!
– Phạm vi kiến thức được sử dụng là như nhau nên việc tìm được nhiều cách giải hay có lời giải sáng tạo phụ thuộc vào nỗ lực cá nhân và sự tích cực tìm tòi, phân tích, tổng hợp, khái quát,… Cá nhân nào tích cực hơn thì cơ hội tìm kiếm được nhiều lời giải và khả năng có lời giải SÁNG TẠO cao hơn. Giáo viên không tích cực thì cũng không thể tìm được nhiều cách giải!
– Có thể so sánh tình huống này giống ví dụ rất thực tế: Có rất nhiều phát minh, sáng chế hữu ích thiết thực do chính bà con nông dân tạo ra – những người không chuyên về khoa học chứ không phải những nhà khoa học chuyên nghiệp hay những chuyên gia có bằng sáng chế.
Q2) Sao giá trị giải thưởng cứ tăng và thay đổi, tăng đến bao giờ? Mọi người tham gia cuộc thi vì giải thưởng à?
A2) – Đúng! Đó là phương châm của nhóm tổ chức, càng huy động được nhiều nhà tài trợ càng tốt. Số tiền được tổng kết khi hết giờ nộp bài.
– Cuộc thi muốn tôn vinh giá trị của sự học Sáng tạo, giá trị của tri thức nên toàn bộ số tiền do các nhà tài trợ ủng hộ được dùng làm giải thưởng.
Q3) Đề bài dễ quá, có trong SGK?
A3) – Đúng! Chúng tôi đã chọn bài này, một bài có trong SGK Hình học 10.
– Thông điệp của cuộc thi là “Sáng tạo không ở đâu khác, ở ngay những bài toán trong sách giáo khoa, trong giờ học trên lớp.”