Site icon Thapsang.vn

Bóng đèn sợi đốt – Mặt trời thứ hai

Bóng đèn sợi đốt - Mặt trời thứ hai

Bóng đèn sợi đốt - Mặt trời thứ hai

Một trong những phát minh vĩ đại của Edison1 là tạo ra bóng đèn sợi đốt – mặt trời thứ hai, ánh sáng cho nhân loại. Ông biến điện năng thành ánh sáng. Nếu nhìn vào một cái bóng đèn, bạn sẽ thấy một sợi dây rất mỏng nối liền hai cây que nhỏ. Chính sợi dây tóc này làm cho bóng đèn sáng lên. Khi dây tóc bị đứt, thì bóng đèn sẽ không thể sáng được nữa.

Một chiếc bóng đèn sợi đốt. (Ảnh: wikipedia)

Edison đã thử hàng ngàn thứ khác nhau trước khi tìm ra đúng vật liệu để làm sợi dây tóc đó. Có không ít những lời phê bình và công kích mỗi khi thực nghiệm không thành công. Người ta gọi ông là “nhà hoang tưởng”, “quân lừa bịp”… Nhưng Edison không bỏ cuộc. Ông đủ dũng khí và lòng kiên trì để quyết tâm phấn đấu đến cùng. Ông đã thử tóc người, vỏ dừa, và tre, làm đi làm lại nhưng đều thất bại. Rồi khi ông ngồi táy máy cái nút áo khoác, thì nút rơi vào tay ông.

– Đúng rồi! Đây sẽ là cái mà ta sẽ dùng làm dây tóc! Ông thốt lên khi chụp cái nút tòn ten ở đầu chỉ.

Ông biến chỉ thành than, là nguyên tố hóa học các-bon, bằng cách cho vào khuôn ni-ken. Ông cho cái khuôn này vào lò suốt năm giờ. Khi khuôn nguội, ông lấy sợi chỉ mong manh ra, rồi cho vào một vật chứa bằng thủy tinh, sau này gọi là bóng đèn. Ông tạo chân không trong đó, nghĩa là ông lấy hết không khí từ trong đó ra. Ông làm như thế vì nếu không khí còn lại trong bóng, thì sợi chỉ sẽ bị đốt cháy.

“Genius is one percent inspiration, ninety-nine percent perspiration.” – “Thiên tài chỉ có một phần trăm là linh cảm, còn chín mươi chín phần trăm là mồ hôi.”
– Thomas Alva Edison (Ảnh: Wikipedia)

Sau đó Edison cho dòng điện chạy qua. Dòng điện sẽ chạy được trong bao lâu? Edison hồi hộp chờ đợi. Ông đã làm việc suốt cả đêm và đang mệt đừ. Nhưng ông phải tận mắt xem điều này.

Dây tóc sáng được 45 tiếng. Mặt Edison cũng sáng lên vì đã thành công. Bóng đèn điện đã được phát minh2. Hôm đó là ngày 21-10-1879. Ngày này được đặt là “ngày kỷ niệm đèn điện”.

Thomas Edison đã “thất bại” đến hơn 10,000 lần thử nghiệm để phát minh ra bóng đèn. Khi ông được hỏi làm thế nào mà ông tiếp tục được, ông chỉ đơn giản tin rằng những kết quả mà ông gặt hái được thật ra là khám phá được 10,000 cách để không phát minh được bóng đèn mà thôi!

Ông đã không bao giờ xem những thử nghiệm của mình là thất bại. Thay vào đó, ông xem chúng như một cơ hội để học.

Thiên tài chỉ có 1% là linh cảm, 99% là mồ hôi và nước mắt.
— Thomas Alva Edison


Thapsang.vn
Xem tiếp bài có từ khóa
Mời bạn đón đọc các bài viết tiếp theo bằng cách đăng kí nhận bài viết mới qua email hoặc like fanpage Thapsang.vn để nhận được thông báo khi có cập nhật mới.
  1. Thomas Alva Edison (11 tháng 2 năm 1847 – 18 tháng 10 năm 1931) là một nhà phát minh và thương nhân đã phát triển rất nhiều thiết bị có ảnh hưởng lớn tới cuộc sống trong thế kỷ 20. Ông được một nhà báo đặt danh hiệu “Thầy phù thủy ở Menlo Park”, ông là một trong những nhà phát minh đầu tiên ứng dụng các nguyên tắc sản xuất hàng loạt vào quy trình sáng tạo, và vì thế có thể coi là đã sáng tạo ra phòng nghiên cứu công nghiệp đầu tiên. Một số phát minh được gán cho ông tuy ông không hoàn toàn là người đầu tiên có ý tưởng đó, nhưng sau khi bằng sáng chế đầu tiên được thay đổi nó trở thành của ông (nổi tiếng nhất là bóng đèn), trên thực tế là công việc của rất nhiều người bên trong công ty của ông. Tuy nhiên, Edison được coi là một trong những nhà phát minh giàu ý tưởng nhất trong lịch sử, ông giữ 1.093 bằng sáng chế tại Hoa Kỳ dưới tên ông, cũng như các bằng sáng chế ở Anh Quốc, Pháp, và Đức. (Nguồn: wikipedia) []
  2. Về người sáng chế ra bóng đèn sợi đốt, các nhà lịch sử Robert Friedel và Paul Israel đã liệt kê 22 nhà phát minh loại đèn này trước Joseph Swan và Thomas Edison (1847 – 1931). Họ kết luận rằng phiên bản đèn sợi đốt (được sản xuất hàng loạt từ năm 1880 ) của Edison hơn các phiên bản khác do kết hợp ba yếu tố: vật liệu đốt hiệu quả hơn, độ chân không trong bóng đèn cao hơn các phiên bản khác (bằng cách sử dụng bơm Sprengel) và điện trở cao hơn khiến việc phân phối điện từ một nguồn trung tâm có thể thực hiện được một cách kinh tế. (Nguồn: wikipedia)  []
Exit mobile version